Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất mười nhiệm vụ trước mắt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường

Chính phủ nhiệm kì 2016 - 2021 hoạt động với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, trong đó, coi tài nguyên, môi trường vừa là đối tượng phải bảo vệ, vừa là nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động phát triển. 

​Để thực hiện thành công mục tiêu đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị Chính phủ mười (10) nhóm nhiệm vụ, bao gồm:
(1) Khẩn trương xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia làm căn cứ thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư của từng vùng phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng ưu tiên lĩnh vực, công nghệ đầu tư phù hợp với quy hoạch môi trường. Xây dựng và ban hành quy chế ứng phó sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương bảo đảm nguyên tắc Trung ương chỉ đạo thống nhất và địa phương xây dựng năng lực tự ứng phó theo phương châm 03 tại chỗ đã được xây dựng trong phòng chống thiên tai.  
(2) Ban hành hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường, trong đó có các quy định về cơ chế chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
(3) Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường; cụ thể hóa các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải. Tổ chức thực hiện tốt Khung chính sách, pháp luật về dịch vụ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái nhằm thúc đẩy các lĩnh vực này phát triển phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và những cam kết của Việt Nam trong các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng các mô hình xử lý nước thải tập trung và phân tán cho các vùng có nguy cơ ô nhiễm cao.
(4) Sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; về kiểm tra công tác thẩm định, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư ngay từ khi tiến hành xây lắp và quá trình hành vận hành thử nghiệm công trình xử lý môi trường. Đẩy mạnh biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức, phòng ngừa, cảnh báo sớm sự cố môi trường, rà soát, xây dựng cơ chế tham vấn cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường.
(5) Tập trung rà soát toàn bộ việc thẩm định, phê duyệt, chấp thuận điều chỉnh đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với các các dự án lớn, các dự án xả thải ra môi trường có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để kịp thời điều chỉnh hoặc tăng cường các giải pháp bảo đảm việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. 
(6) Rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đối với các ngành, lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ngành phải nghiêm ngặt hơn các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường nói chung, đặc biệt chú trọng các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất giấy, luyện thép từ quặng..., tiếp cận với quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các nước tiên tiến.
(7) Rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường.
(8) Tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường để xây dựng thông tin nền về môi trường, tạo cơ sở phân vùng môi trường, xác định sức chịu tải môi trường và nâng cao công tác hoạch định chính sách, đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường phù hợp đối với các dự án đầu tư; Đề án tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường để chủ động ứng phó với các sự cố; tổng điều tra các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm trên phạm vi cả nước. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin, số liệu quan trắc, đánh giá về chất lượng môi trường làm cơ sở phục vụ công tác thẩm định, xét duyệt các dự án đầu tư, đồng thời, để các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và người dân thực hiện kiểm soát, giám sát về môi trường.
(9) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển. Tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải, hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý chất thải thông thường, trong đó có nội dung quy định về sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu.
(10) Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường tại các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiết kiệm, hỗ trợ và thực hiện có hiệu quả các hoạt động quản lý môi trường tại địa phương. Trước mắt, điều chỉnh tái cơ cấu đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ngay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

(Nguồn: vea)