Xây dựng cơ chế phối hợp trong nước giải quyết vấn đề môi trường trong các Hiệp định FTA
Sáng 26/10, tại Hà Nội, TS. Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chủ trì Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự của đông đảo đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành…
Khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cho biết, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang trở thành một trong những xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế hiện đại. Quá trình này thể hiện không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà cả trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, tài chính, văn hóa, xã hội và đặc biệt là vấn đề môi trường.
Trong những năm gần đây, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được ký kết với phạm vi rộng hơn, bao gồm cả các thể chế pháp lý trong các lĩnh vực môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ v.v… Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nhận thấy rằng, các chính sách thương mại, tài nguyên và môi trường có vai trò hỗ trợ lẫn nhau, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ trái sang phải: Ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và ông Đặng Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường)
Trong xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, Việt Nam đã ký kết 12 FTA, và đang đàm phát 3 FTA. Trong đó, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU là 2 FTA thế hệ mới có nội dung quy định về môi trường sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan. Đặc biệt, TPP có dành 1 chương riêng là Chương 20 về Môi trường quy định các điều khoản tập trung vào các lĩnh vực như: bảo tồn đa dạng sinh học và thương mại; sinh vật ngoại lai xâm hại; bảo vệ tầng ozon; đánh bắt thủy hải sản; thương mại và đầu tư đối với hàng hoá và dịch vụ môi trường và giải quyết các vấn đề tranh chấp.
Các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các FTA thế hệ mới nói chung, đặc biệt là trong TPP là những nội dung mới đặt Việt Nam trước những nguy cơ, thách thức lớn. Trong bối cảnh sự gia tăng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam do sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường cũng ngày càng gia tăng do hệ thống chính sách, pháp luật còn nhiều lỗ hổng, nguồn nhân lực, vật lực cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, chồng chéo. Việc thực thi các cam kết, nghĩa vụ môi trường quy định trong TPP có mức ràng buộc cao, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hệ thống thế chế, nhân lực và vật lực.
Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng “Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do” nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có liên quan và phân công trách nhiệm của từng đơn vị để thực thi tốt các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các FTA.
ThS. Nguyễn Quỳnh Hương (Viện Khoa học Môi trường) trình bày nội dung dự thảo Đề án
Theo đó, dự thảo Đề án đề xuất một số cơ chế, giải pháp phối hợp trong nước nhằm thực thi hiệu quả nghĩa vụ về môi trường trong các FTA, như: triển khai phối hợp trong việc rà soát, đánh giá thực trạng thực thi, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước và tương thích với các quy định, nghĩa vụ của các FTA; tăng cường phối hợp đào tạo, tập huấn năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ tham gia các hoạt động quản lý và bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng, đặc biệt là các nghĩa vụ về môi trường trong các FTA.
Các cơ quan đơn vị cũng cần phối hợp trong việc xây dựng, thực hiện Đề án đào tạo, tập huấn trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp quốc tế về thương mại cho các cán bộ có liên quan; tăng cường phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo các ván đề liên quan đến việc thực thi các nghĩa vụ về môi trường trong các FTA; phối hợp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường trong tương lai…
Dự thảo Đề án cũng đề nghị tiến hành các giải pháp theo 02 giai đoạn: năm 2016 – 2017; năm 2018 – 2020 và những năm tiếp theo; đồng thời, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương.
Đánh giá cao việc xây dựng Đề án, các đại biểu tham dự hội thảo sôi nổi thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo như: cần rà soát, điều chỉnh cấu trúc, nội dung của Đề án, tránh trùng lắp, chồng chéo; bổ sung nội dung giải quyết vấn đề môi trường đối với Hiệp định WTO; nên phân chia các dự án triển khai Đề án theo các nhóm; bổ sung nội dung về xử lý vi phạm về môi trường …
Kết thúc hội thảo, cảm ơn các ý kiến góp ý, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo hướng nêu được các “lỗ hổng” pháp lý, hạn chế, xác định rõ các trách nhiệm, cam kết về bảo vệ môi trường của các hiệp định; cụ thể hóa, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị với trách nhiệm, cam kết trong hiệp định. Đề án cần xác định rõ đầu mối khi phối hợp thực hiện công tác giữa các cơ quan, đơn vị; rà soát các nhiệm vụ, dự án thực hiện Đề án, gắn mốc thời gian triển khai nhằm đảm bảo tính hiệu quả, thực tiễn, “nếu cần thì ghép, gộp nhiệm vụ, dự án với nhau, quan trọng về chất lượng chứ không phải số lượng” - Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung nhấn mạnh.
Nguồn: vea