Xây dựng Thông tư quy định thủ tục để thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường
Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe và tài sản của cá nhân, tổ chức mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên.
Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, việc xử lý các hành vi vi phạm và giải quyết bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường mới chỉ dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường gây ra trên cơ sở các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật về bảo vệ môi trường mà chưa có vụ việc nào yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường tự nhiên được giải quyết.
Viện trưởng Viện Khoa học môi trường Phạm Văn Lợi phát biểu tại Hội thảo
Nguyên nhân của thực trạng này là hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại đối với môi trường tự nhiên rất đa dạng; việc xác định mức độ thiệt hại, thu thập xác định thiệt hại, thu thập dữ liệu, chứng cứ chứng minh cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, công nghệ, thiếunhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao… Điều này cũng cho thấy rằng nếu không có những quy định hướng dẫn cụ thể thì các quy định pháp luật hiện hành chưa thực sự phát huy được trách nhiệm bảo vệ môi trường của cơ quan có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện và phục hồi môi trường.
Theo quy định pháp luật hiện hành, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường nói chung, bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên nói riêng được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06/01/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường.
Từ những căn cứ thực tiễn và pháp lý nêu trên, việc xây dựng Thông tư quy định thủ tục để thực hiện bồi thường thiệt hại đối với môi trường (Thông tư) là rất cần thiết nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 03/2015/NĐ-CP.
Để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Thông tư, sáng ngày 31/8, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Góp ý Dự thảo Thông tư quy định thủ tục để thực hiện bồi thường thiệt hại đối với môi trường”.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận về các vấn đề như nguồn lực tài chính để thực hiện bồi thường thiệt hại; số lượng thành viên trong Hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ; chức năng, nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; quy trình và tiêu chí lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ quan trắc, đánh giá đo đạc để thu thập dữ liệu, chứng cứ, tính toán thiệt hại và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; mốc thời gian sử dụng trong Thông tư; quy định về cơ quan có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại, thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ; khả năng áp dụng vào các vụ việc ô nhiễm môi trường cụ thể của địa phương; năng lực, điều kiện bảo đảm để Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nhiệm vụ.
Kết luận Hội thảo, thay mặt Tổ soạn thảo Thông tư, Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Thông tư. Phó Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh, các quy định của Thông tư là những vấn đề khó và nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan; sau khi hoàn thiện, Thông tư cần đảm bảo tính khả thi để có thể triển khai thực tế đi vào cuộc sống.
(Nguồn: vea)